(PLVN) – Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 295 (ĐT.295) có tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng, do Ban quản lý các dự án xây dựng huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) làm chủ đầu tư, Công ty xây dựng Việt Đức (TNHH) là nhà thầu thi công chính. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật trong quá trình triển khai, thực hiện dự án có nhiều điểm bất cập khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng…

Ngày 28/12/2021, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 1654/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp ĐT. 295 (đoạn từ vị trí chân cầu vượt nút giao với QL18 đến ĐT.285B theo quy hoạch) huyện Yên Phong.

Đây là dự án trọng điểm nhóm C, công trình giao thông cấp II, dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.500,08m, điểm đầu xuất phát tại vị trí chân cầu vượt nút giao TL.295 và QL.18 và điểm cuối kết thúc tại vị trí nút giao giữa TL.295 và ĐT.285B theo quy hoạch. Nội dung đầu tư nhằm xây dựng nền đường, mặt đường cấp cao A; vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước; hệ thống kỹ thuật và hệ thống an toàn giao thông đảm bảo theo quy định.

UBND tỉnh Bắc Ninh giao Ban quản lý các dự án xây dựng huyện Yên Phong làm Chủ đầu tư, nguồn vốn để thực hiện dự án là tư ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 & 2021-2025, ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có). Tổng mức đầu tư của dự án là 79.994.166.000 đồng.

Đến ngày 21/3/2023, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 298/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) thực hiện một số gói thầu đối với dự án trên. Dự án được chia làm 10 gói thầu, trong đó gói thầu số 7 toàn bộ phần xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông có giá hơn 49,1 tỷ đồng; Gói thầu số 9, tư vấn giám sát cho gói thầu số 7 là hơn 1,1 tỷ đồng; Gói thầu số 12 phần xây dựng hạng mục dịch chuyển cột điện, đường điện phục vụ GPMB có giá hơn 2,6 tỷ đồng. Cả 3 gói thầu này đều được tổ chức đấu thầu công khai qua mạng.

Ngày 22/3/2023, BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong có quyết định số 16/QĐ-QLDA phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu tư vấn thẩm định HSMT và thẩm định kết quả LCNT cho gói thầu số 7, số 09 và số 12. Đơn vị được chỉ định thầu cả 3 gói thầu này là Công ty TNHH xây dựng và Thương mại Ngọc Giang (địa chỉ: Xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).

Đến ngày 19/4/2023, BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong đã phát đi thông báo mời thầu đối với gói thầu số 07 toàn bộ phần xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp ĐT.295 (đoạn từ vị trí chân cầu vượt nút giao với QL18 đến ĐT.285B theo quy hoạch), huyện Yên Phong. Thời điểm đóng, mở thầu vào ngày 29/4/2023.

Quá trình tham dự đấu thầu đối với gói thầu số 07 chỉ có duy nhất nhà thầu là Công ty xây dựng Việt Đức (TNHH) (số 286 Minh Khai, phường Đông Ngàn, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) nộp hồ sơ tham dự.

Qua các quy trình chấm thầu, thẩm định, ngày 2/6/2023, BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong đã có quyết định số 48/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả trúng thầu cho Công ty xây dựng Việt Đức (TNHH) trúng thầu với giá 45,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng trong vòng 360 ngày. Hợp đồng thi công xây dựng đã được BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong và Công ty xây dựng Việt Đức (TNHH) ký vào ngày 04/6/2023 ngay sau đó.

Tiếp đó, ngày 4/8/2023, BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong có quyết định số 56/QĐ-QLDA phê duyệt kết quả LCNT Gói thầu số 12 phần xây dựng hạng mục dịch chuyển cột điện, đường điện phục vụ GPMB. Trong đó, Công ty cổ phần HTS Quốc tế (số 882 Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) trúng thầu với giá hơn 2,5 tỷ đồng.

Đối với các gói thầu tư vấn giám sát thi công của gói thầu số 7 và gói thầu số 12, BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong lần lượt phê duyệt, chỉ định thầu cho Công ty TNHH tư vấn và xây dựng An Hoàng Long (địa chỉ: Khu TĐC nhà máy nhiệt điện phố Trung Sơn, phường Bích Đào, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) và Công ty TNHH HQT Bắc Ninh (địa chỉ: Khu dân cư dịch vụ Đền Đô, phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trúng thầu, thực hiện.

Trong quá trình làm việc ngày 19/10/2023, phóng viên được BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong cung cấp các thông tin, văn bản về việc triển khai, thực hiện dự án và các gói thầu trên. Đồng thời, Ban cũng cung cấp các tài liệu chứng minh về nguồn gốc vật liệu, giấy phép khai thác khoáng sản của các đơn vị cung cấp vật liệu cho Công ty xây dựng Việt Đức (TNHH) thực hiện.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập về các hợp đồng nguyên tắc giữa các đơn vị được khai thác khoáng sản (cát, sỏi) với Công ty Xây dựng Việt Đức (TNHH) và các phương thức vận chuyển, cung cấp cho Gói thầu số 7 được tiến hành như thế nào, có đảm bảo các quy định của pháp luật hay không thì đại diện BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong cho biết phía Công ty Việt Đức vẫn chưa nộp đủ, BQL cũng đã yêu cầu đơn vị bổ sung. Sau nhiều lần đề nghị đến nay BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong vẫn chưa thể cung cấp cho phóng viên về nội dung này…

Được biết, trong phụ lục bảng tổng hợp vật tư, vật liệu chính mà Công ty xây dựng Việt Đức kê khai trong HSDT thì lại sử dụng đá dăm 1×2, 2×4, 4×6 mm; cấp phối đá dăm loại I, II đều ở mỏ Thống Nhất (Hải Dương).

Căn cứ theo HSDT của Công ty xây dựng Việt Đức (TNHH) tại BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong, Công ty đề xuất ông Bùi Quang Hiển là Chỉ huy trưởng công trình, ông Vũ Văn Thư là cán bộ kỹ thuật thi công trực tiếp và ông Nguyễn Hữu Cường là cán bộ an toàn lao động. Tuy nhiên, trong biên bản số 01 chấp thuận nguồn vật liệu sử dụng vào công trình ngày 25/6/2023 lại thể hiện ông Vũ Cao Thái làm Chỉ huy trưởng công trình còn ông Nguyễn Thế Lâm là cán bộ phụ trách thi công trực tiếp?.

Sau đó, phóng viên cùng đại diện BQL các dự án xây dựng huyện Yên Phong có mặt tại công trường thi công. Qua quan sát, PV nhận thấy tại nhà chỉ huy công trường chỉ có 2 công nhân đang sửa chữa máy bơm.

Nhà chỉ huy công trường được Công ty xây dựng Việt Đức (TNHH) thuê lại của một hộ dân cạnh điểm đặt biển báo công trình (điểm cuối thi công), bên trong nhà chỉ huy này có một số vật liệu để ngổn ngang, một số thanh sắt đã có dấu hiệu bị han gỉ, các cột sắt được che bằng túi bóng đen một cách sơ sài cũng bị gỉ sét.

Ngày 3/11, PV tiếp tục ra công trường để ghi nhận thì không hề thấy đại diện tư vấn giám sát thi công và đơn vị quản lý dự án có mặt tại hiện trường mà chỉ thấy có 2 công nhân (1 nam, 1 nữ) đang tiến hành đổ xi măng trụ điện. Khi hỏi về chỉ huy công trường và giám sát trưởng công trường thì cả hai công nhân này đều không biết.

Theo ông M.Đ.H (58 tuổi, trú tại thôn Ngân Cầu, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là người dân địa phương cho biết, dự án tiến hành quá chậm, hơn hai tháng mà đơn vị chỉ đặt được khoảng 10 ống cống rồi sau đó ngày làm, ngày nghỉ khiến cho việc đi lại, kinh doanh của nhiều hộ dân gặp vô vàn khó khăn.

Một số người dân địa phương tại khu vực dự án đang thực hiện cũng cho biết, thời điểm ban đầu, nhà thầu thực hiện dự án để vật liệu, chất thải rất bừa bộn, không hề có biển cảnh báo, căng dây đai an toàn khiến nhiều người dân bị ngã. Điển hình là ngày 4/8/2023, anh Đỗ Đắc T. (SN 1991) là thợ sửa chữa tivi trên khu vực dự án đang thực hiện, khi anh đang đứng trước cửa quán của gia đình thì bất ngờ bị sụt xuống hố và được người nhà đưa tới Trung tâm y tế huyện Yên Phong để khâu vết thương.

“Tôi bị gạch cứa rách dài gần 3cm ở ngay dưới đầu gối, hôm đó may mắn cho tôi là đã mặc áo dài và lấy tay che lại được chứ không thì không biết có chuyện gì sẽ xảy ra. Bức xúc hơn cả là kể từ thời điểm đó đến nay đã gần 3 tháng mà từ Chủ đầu tư đến nhà thầu thi công không một đơn vị nào đến hỏi thăm sức khoẻ của tôi.” – anh T. bức xức.

Không chỉ việc đi lại của người dân gặp khó khăn mà vấn đề ô nhiễm môi trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Kể từ khi thi công đến nay, chúng tôi không hề thấy một xe tưới nước nào tưới nước trên đường. Mùi hôi cống rãnh trong quá trình thi công công trình không được xử lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ở mức độ nghiêm trọng. Đặc biệt hầu như gia đình nào cũng có trẻ nhỏ hiếu động, nếu không sát sao thì các cháu sẽ bị ngã xuống đường, cống gây thương tích. Nếu ở gần công trình thi công lâu sẽ dẫn đến những bất ổn về sức khoẻ, sinh hoạt, tổn thất vô cùng nặng nề về kinh tế các gia đình chúng tôi.” – Các hộ dân chia sẻ với PV.

Được biết, sau khi người dân gửi đơn lên các đơn vị chức năng của thị trấn Chờ và huyện Yên Phong thì phía nhà thầu thi công có viết bản cam kết thi công sẽ thi công tập trung máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực đầy đủ để thi công đến lớp cấp phối đá dăm xong trước ngày 25/11/2023.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.