Những năm gần đây, tranh chấp nội bộ trong công ty cổ phần nảy sinh ngày càng nhiều, diễn ra ngay tại các doanh nghiệp lớn như Sacombank, Eximbank, Coteccons, Vinaconex, Hòa Bình… Một trong những nguyên do được lý giải xuất phát từ chính bộ máy quản trị, điều hành các công ty này. Nhiều công ty tuy “vỏ” đại chúng; nhưng “ruột” vẫn mang nặng yếu tố “gia đình”. Do vậy, hoạt động quản trị thiếu sự rành mạch và chưa tuân thủ đúng quy định về chức năng, thẩm quyền giữa chủ sở hữu (Đại hội đồng cổ đông – ĐHĐCĐ), bộ máy quản trị (Hội đồng quản trị – HĐQT) và bộ máy điều hành (Ban Tổng giám đốc). Quan sát các vụ việc tranh chấp nội bộ tại một số tập đoàn lớn thời gian qua đã cho thấy nhiều vấn đề cần mổ xẻ và phải chăng chiếc áo pháp lý về quản trị công ty đại chúng đã chật so với yêu cầu thực tiễn?

Hội đồng sáng lập có “đè” được Hội đồng quản trị?
Một vụ việc đang làm nóng dư luận là vào ngày 14/12/2022, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ban hành quyết định thành lập Hội đồng sáng lập (HĐSL). Theo Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐSL do Tập đoàn này ban hành thì HĐSL là cơ quan tham mưu, tư vấn và phản biện cho HĐQT và Ban Điều hành công ty. Đáng chú ý, đối với một số vấn đề trọng yếu của công ty, HĐQT chỉ được thông qua khi đạt được sự đồng thuận của HĐSL như: thay đổi mục tiêu, định hướng, chiến lược quan trọng của công ty; sửa đổi Điều lệ, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; bất kỳ thay đổi quan trọng nào trong hoạt động kinh doanh của công ty hoặc bắt đầu một loại hình kinh doanh mới; tất cả hợp đồng mua bán, sáp nhập và đầu tư lớn hơn 100 tỷ đồng;
Việc thành lập HĐSL công ty không phải là vấn đề mới mà trước đây đã từng xẩy ra ở một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), MaritimeBank (MSB), SouthernBank (PNB)… Ví dụ, HĐSL tại ACB do ĐHĐCĐ thành lập ngày 09/3/2007 có chức năng nhằm tư vấn cho HĐQT, Ban điều hành trong quá trình quản trị, điều hành Ngân hàng; tham gia ý kiến về những nội dung quan trọng trong quản trị và điều hành ngân hàng [2]. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà hiện nay các ngân hàng này đều đã từ bỏ mô hình HĐSL.
Vấn đề pháp lý đặt ra là: cơ sở pháp lý nào cho phép thành lập HĐSL? Liệu có thể tồn tại một cơ quan khác có địa vị pháp lý ngang hoặc cao hơn HĐQT công ty đại chúng (ngoài ĐHĐCĐ và Ban kiểm soát) hay không? Qua rà soát chúng tôi nhận thấy pháp luật hiện hành chưa có quy về việc thành lập, tổ chức, hoạt động của HĐSL trong công ty cổ phần. Cụ thể, khoản 1 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, mục 2 Chương III Luật Chứng khoán 2019 quy định công ty cổ phần được tổ chức hoạt động theo một trong hai mô hình sau: (i) ĐHĐCĐ, HĐQT, Ban kiểm soát và Tổng giám đốc; hoặc (ii) ĐHĐCĐ, HĐQT và Tổng giám đốc; trường hợp này ít nhất 20% số thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập và có Ủy ban kiểm toán trực thuộc HĐQT.
Do pháp luật chưa có quy định cụ thể nên thực tế đang tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc thành lập, hoạt động và địa vị pháp lý của HĐSL. Trong đó có quan điểm cho rằng: pháp luật hiện hành không quy định nhưng cũng không cấm thành lập HĐSL, do vậy doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý lẫn thực tiễn, có nhiều vấn đề cần đặt ra và xem xét một cách thấu đáo xung quanh quan điểm này.
Một là, ai có thẩm quyền quyết định thành lập HĐSL? Vấn đề này phụ thuộc quan niệm về địa vị pháp lý của HĐSL. Nếu HĐSL là cơ quan đối trọng (ngang hàng) với HĐQT thì không thể do các thành viên HĐQT thành lập, vì như vậy không đảm bảo tính chất “đối trọng” của hai cơ quan này. Còn nếu HĐSL là cơ quan giám sát HĐQT thì càng không thể do các thành viên HĐQT tự thành lập ra mà phải do ĐHĐCĐ bầu hoặc thông qua.
Trường hợp ĐHĐCĐ muốn bầu thành viên HĐSL thì địa vị pháp lý của HĐSL phải được quy định trong điều lệ công ty chứ không chỉ dựa vào quy chế hoạt động của HĐSL. Mà điều lệ công ty đại chúng thì phải phù hợp với Luật Doanh nghiệp, các văn bản hướng dẫn về quản trị công ty đại chúng và điều lệ mẫu công ty đại chúng. Do vậy, khi pháp luật chưa quy định cụ thể thì không có căn cứ để quy định địa vị pháp lý của HĐSL trong điều lệ hoạt động của công ty đại chúng.
Trường hợp HĐQT tự thành lập HĐSL như tại một số doanh nghiệp vừa qua thì có hợp lệ không? Theo quan điểm của chúng tôi, thành viên HĐQT do cổ đông bầu ra để đại diện các cổ đông, nhóm cổ đông trong việc thực thi quyền quản trị công ty. Việc HĐQT thành lập thêm HĐSL để tự “giới hạn”, kiểm soát việc biểu quyết, thông qua các quyết định của chính mình khi chưa được cổ đông thông qua là hành vi vượt thẩm quyền, gián tiếp xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông.
Hai là, nếu HĐQT và HĐSL đạt được sự đồng thuận trong việc đưa ra quyết sách trọng yếu, cùng hướng đến lợi ích chung của công ty và các cổ đông, thì điều này sẽ vừa tăng tính phản biện, công khai, minh bạch và hiệu quả trong công tác điều hành quản trị công ty. Tuy nhiên, nếu phát sinh sự bất đồng giữa HĐQT và HĐSL sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn, khi đó hoạt động của điều hành của HĐQT sẽ bị “treo” cho đến khi đạt được sự đồng thuận từ HĐSL và trong tình huống này thì chính cổ đông là người bị thiệt đơn, thiệt kép.
Cơ chế nào để kiểm soát HĐSL?
Một vấn đề nữa đặt ra là trách nhiệm của thành viên HĐSL đối với các nghị quyết của HĐQT có sai phạm nhưng nghị quyết đó đã được HĐSL thông qua hoặc đồng thuận. Ngược lại, nếu thành viên HĐSL có sai phạm cá nhân thì công ty có liên đới trách nhiệm không? Pháp luật hiện hành mới chỉ quy định về trách nhiệm của người quản lý công ty (Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020); quyền khởi kiện của cổ đông đối với thành viên HĐQT, Giám đốc, Tổng giám đốc (Điều 166 Luật Doanh nghiệp 2020). Khái niệm “Người quản lý công ty” theo Luật Doanh nghiệp không bao gồm thành viên HĐSL, nên rất khó có cơ chế để xử lý trách nhiệm của thành viên HĐSL khi có sai phạm cũng như trách nhiệm liên đới của công ty. Trong vụ án ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ tịch HĐSL Ngân hàng ACB phạm tội xảy ra năm 2012 thì Ngân hàng ACB được xác định không có trách nhiệm liên đới. Vì theo lý giải của các cơ quan chức năng thì HĐSL do ngân hàng ACB tự thành lập, còn theo Luật các Tổ chức tín dụng Việt Nam thì trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng thương mại cổ phần không có tổ chức này mà chỉ có HĐQT và Ban điều hành. Ông Kiên không tham gia vào Hội đông quản trị cũng như Ban điều hành của ACB, do vậy, những sai phạm của ông Kiên thì không liên quan gì đến ACB.

Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu đảm bảo quyền cổ đông và ổn định thị trường, pháp luật chứng khoán đặt ra tiêu chuẩn cao trong việc tuân thủ các nguyên tắc quản trị, đảm bảo tính minh bạch, công khai đối với công ty đại chúng. Trong đó, có nhiều quy định nhằm kiểm soát, loại bỏ các hành vi “gia đình trị”, có yếu tố tư lợi như: cấm các thành viên là người quản lý, điều hành doanh nghiệp, Kiểm soát viên không được có quan hệ gia đình, huyết thống (điểm b Khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2020); hay điều kiện thực hiện các giao dịch giữa công ty với người có liên quan (Điều 167 Luật Doanh nghiệp 2020).

Do đó, dư luận và cơ quan chức năng có thể đặt ra nghi vấn việc lãnh đạo chủ chốt tại công ty đại chúng từ nhiệm các chức vụ tại HĐQT/Ban giám đốc để nhường cho người thân giữ vị trí lãnh đạo tại công ty; nhưng vẫn có quyền kiểm soát thực tế tại HĐSL theo những thỏa thuận ngầm nội bộ. Điều này liệu có làm “vô hiệu hóa” các nguyên tắc quản trị minh bạch của công ty đại chúng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cổ đông thiểu số?
Bất thường trong các cuộc họp HĐQT
Theo khoản 8 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020: “Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp cuộc họp được triệu tập theo quy định tại khoản này không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp”. Như vậy, Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về trường hợp HĐQT triệu tập lần thứ hai khi lần triệu tập họp đầu tiên chưa đủ số lượng. Vậy, giả sử đến triệu tập lần thứ hai vẫn không đủ số lượng thành viên tối thiểu dự họp thì trường hợp này xử lý thế nào?
Có quan điểm cho rằng, nếu sau lần triệu tập thứ hai không thành công thì HĐQT sẽ được tổ chức họp lần thứ ba mà không phụ thuộc vào số lượng thành viên tham dự họp. Cách tiếp cận này tương tự như trường hợp tổ chức họp ĐHĐCĐ quy định tại Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020.
Quan điểm khác cho rằng, nếu lần triệu tập thứ hai không thành công thì HĐQT sẽ không được tổ chức họp thêm mà phải hủy cuộc họp. Sau đó, nếu Công ty vẫn muốn triệu tập họp HĐQT thì sẽ triệu tập lại từ đầu theo đúng trình tự tại Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020. Chúng tôi cho rằng cách tiếp cận thứ hai là phù hợp và đảm bảo được quyền của cổ đông. Luật Doanh nghiệp 2020 không có quy định nào cho phép tổ chức các cuộc họp HĐQT mà không cần đạt được số lượng dự họp tối thiểu và điều này là phù hợp bởi: (i) Số lượng thành viên HĐQT được giới hạn từ 03-11 thành viên, nên việc triệu tập và tập hợp đủ các thành viên tham dự không phức tạp và phát sinh chi phí như đối với cuộc họp ĐHĐCĐ; (ii) HĐQT là cơ quan quản lý cao nhất và thông qua các nội dung chi tiết các giao dịch, nội dung, vấn đề trọng yếu thuộc thẩm quyền của mình bằng biểu quyết tại cuộc họp (ĐHĐCĐ thường thông qua các vấn đề mang tính chủ trương, định hướng); (iii) nếu như các Nghị quyết của ĐHĐCĐ có nội dung vi phạm pháp luật thì cổ đông có thể yêu cầu xem xét hủy bỏ. Trong khi đó, các cổ đông không có quyền trực tiếp yêu cầu hủy nghị quyết của HĐQT.
Trở lại với vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, tranh luận nổ ra với việc HĐQT đã triệu tập và tiến hành cuộc họp lần thứ hai ngay trong buổi chiều khi cuộc họp lần một bị hoãn vào buổi sáng cùng ngày do không đủ số lượng thành viên tham dự.
Có quan điểm cho rằng, theo khoản 6 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020, việc tuân thủ các quy định về thời gian mời họp (3 ngày làm việc trước ngày họp) chỉ áp dụng đối với lần triệu tập đầu tiên, còn đối với lần sau chỉ cần triệu tập trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất là phù hợp.
Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng việc HĐQT triệu tập cuộc họp lần thứ hai vẫn phải tuân thủ thời gian mời họp (3 ngày làm việc trước ngày họp) nên giả sử nếu lần triệu tập đầu tiên diễn ra vào buổi sáng chưa thành công thì việc triệu tập họp ngay trong buổi chiều là không hợp lệ. Chúng tôi cho rằng quan điểm này là phù hợp với các nguyên tắc quản trị của công ty đại chúng, bởi lẽ, nếu cho phép tổ chức cuộc họp lần hai ngay trong cùng một ngày thì sẽ mặc nhiên “vô hiệu hóa” quyền tham gia họp của các thành viên HĐQT không thể tham gia cuộc họp lần một vì có lý do chính đáng.
Kết luận
Yếu tố đồng thuận giữa các nhóm cổ đông là chìa khóa quan trọng để xây dựng và thực thi bộ máy quản trị hiệu quả. Dù vậy, ngay cả khi công ty có sự bất đồng trong việc điều hành giữa các nhóm cổ đông, thì một mô hình quản trị cân bằng và đối trọng cũng là giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo sự ổn định và đảm bảo tối đa quyền cổ đông nhỏ lẻ.

Bài viết liên quan